Rồng
rắn lên mây là một trong những trò chơi dân gian khá phổ biến dành
cho độ tuổi thiếu nhi trong các làng quê Việt Nam ngày trước. Đây
là một trò chơi gắn với bài đồng dao, yêu cầu người chơi phải
nhanh nhẹn, khéo léo, đoàn kết, ý thức kỷ luật và khả năng ứng đối
nhanh nhạy, nhất là đối với người dẫn đầu đoàn rồng rắn.
Ngày
trước, vào những đêm trăng thanh, các em thiếu nhi quê tôi thường rủ
nhau tập trung tại sân đình làng để tổ chức trò chơi Rồng rắn lên
mây. Phương thức tổ chức và cách chơi rất đơn giản, không cầu kỳ và
cũng không quy định số lượng người tham gia. Trò chơi được tiến hành
sau khi tập hợp số người tham gia và chọn ra một bạn làm Thầy
thuốc có nghĩa vụ ngồi một chỗ trên sân chơi. Những bạn còn lại sắp
một hàng dọc chọn lấy một bạn nhanh nhẹn, ứng đối trôi chảy làm
đầu, lần lượt sắp xếp người đứng sau nắm vạt áo người đứng trước.
Cuộc chơi bắt đầu bằng cách đoàn người rồng rắn lượn qua lượn lại
rất đều trước mặt người đóng vai Thầy thuốc. Đoàn rồng rắn vừa đi
vừa đồng thanh bài đồng dao:
Rồng rắn lên mây/Có cây núc nác/Có nhà điểm binh/ Hỏi thăm thầy thuốc/ Có nhà hay không?
Thầy thuốc trả lời: Thầy thuốc đi vắng
( hay thầy thuốc đi đâu đó tuỳ ý mà đặt ra sao cho sinh động) Mỗi
lần như thế , đoàn rồng rắn lại tiếp tục đi và cùng nhau thể hiện
bài đồng dao cho đến khi người thầy thuốc trả lời : Thầy thuốc có nhà
cả đoàn mới dừng lại để đối chất với thầy thuốc ( quá trình này có
thể lặp đi, lặp lại nhiều lần nhằm tăng thêm tính vui nhộn của trò
chơi)
Vào đối thoại sau khi rồng rắn được thầy thuốc mở cửa trả lời : thầy thuốc có nhà, đại để là những câu hỏi :
Thầy thuốc: Rồng rắn đi đâu thế?
Người làm đầu đoàn rồng rắn trả lời:
Rồng rắn đi lấy thuốc chữa bệnh ( cho con, hay cho người thân tuỳ theo ngẫu hứng mà đặt)Ví như với câu trả lời : đi lấy thuốc chữa bệnh cho con, thầy thuốc hỏi tiếp: Con lên mấy?
Rồng rắn: Con lên một
Thầy thuốc: Thuốc chẳng tốt
Rồng rắn: Con lên hai
Thày thuốc: Thuốc không hay
Rồng rắn: Con lên ba
Thầy thuốc: Thuốc không hay
Lần lượt hỏi và đáp như thế cho đến lúc rồng rắn trả lời : Con lên mười, thầy thuốc mới : Thuốc hay , thuốc tốt!
Tiếp tục trò chơi,thầy thuốc ra điều kiện với rồng rắn để lấy thuốc: Cho xin khúc đầu
Rồng rắn: Những xương cùng xẩu
Thầy thuốc: Cho xin khúc giữa
Rồng rắn: Những máu cùng me
Thầy thuốc: Cho xin khúc đuôi
Rồng rắn: Tha hồ thầy đuổi
Trả
lời xong, cả đoàn rồng rắn bắt đầu chạy trốn và cuộc chơi bắt
đầu vào cuộc đuổi bắt náo nhiệt giữa thầy thuốc với rồng rắn. Thầy
thuốc phải cố bắt cho được người sau cùng ( đuôi) trong khi đoàn
rồng rắn liên tục di chuyển uốn lượn nhanh nhẹn với người làm đầu
giang tay ngăn cản không cho thầy thuốc bắt được khúc đuôi.Người làm
đuôi cũng phải rất nhanh nhẹn ntìm cách theo sát đoàn nhát khoát
không được buông tay khỏi vạt áo người trước.Nếu thầy thuốc bắt
được khúc đuôi, cuộc chơi lại tiếp tục từ đầu với người làm đuôi
bị bắt phải thay thế vị trí thầy thuốc.. Trong khi đuổi bắt, nếu
đoàn rồng rắn bị dứt ngang giữa chừng ( do buông tay khỏi vạt áo ),
cuộc chơi tạm ngừng để nối lại và tiếp tục trò chơi.
Trò
chơi rất náo nhiệt được diễn ra không quy định thời gian, số lượt
chơi, tuỳ thuộc vào ngẫu hứng của những người tham gia. Thường kết
thúc vào khoảng giữa đêm. Vào những đêm như thế, sân đình dưới ánh
trăng thanh thực sự vui nhộn với nhịp điệu bài đồng dao Rồng rắn
lên mây rất đều , trong trẻo cất lên...Ngày nay, trò chơi Rồng rắn
dường như chỉ xuất hiện tại một số làng quê và đang dần mai một để
thay thế vào đó những trò chơi hiện đại. Nhưng trong ký ức của lớp
trung niên,vào những đêm trăng sáng, nhất là vào dịp tết Trung thu,
cùng với tiếng trống điểm nhịp cho màn múa Sử tử, đêm phá cỗ, rước
đèn,vẫn nhớ về một trò chơi dân gian rất gần gũi với con trẻ- trò
chơi Rồng rắn lên mây...
0 comments:
Post a Comment